Chàm sữa ở trẻ sơ sinh gây ra những cơn ngứa dai dẳng suốt ngày đêm, khiến cho trẻ khó ngủ, cáu gắt. Tuy vậy, một số trẻ không hề kêu khóc mà tự chà mình lên chăn gối, ga giường để giảm ngứa. Cha mẹ nào không tinh ý chắc hẳn không nhận ra con đang phải tự mình chịu đựng cơn ngứa ngáy mà chàm sữa gây ra.
Vậy, chàm sữa thường xuất hiện ở vị trí nào trên cơ thể bé? Làm sao để nhận biết con đang bị ngứa do chàm? Cha mẹ cần làm gì để xử lý tình trạng này? Các bậc phụ huynh hãy theo dõi bài viết sau để được SkinShare giải đáp!
1. Vị trí cơ thể dễ nổi chàm sữa (Kèm hình ảnh nhận biết)
Chàm sữa có thể xuất hiện ở bất cứ vị trí nào trên cơ thể bé. Nhiều nhất là ở vùng mặt. Tiếp đến là cổ, bàn chân, bàn tay. Sau đó là háng, bẹn, mông và cuối cùng là vùng kín.
Hình ảnh chàm sữa ở mặt:
Hình ảnh chàm sữa ở cổ:
Hình ảnh chàm sữa ở tay, chân:
Hình ảnh chàm sữa ở háng, bẹn, mông:
Hình ảnh chàm sữa ở vùng kín:
2. Cách nhận biết chàm sữa
Sở dĩ gọi là chàm sữa vì đây là tình trạng da liễu gặp ở những trẻ dưới 6 tháng tuổi. Biểu hiện của chàm sữa ở trẻ sơ sinh như sau:
- Trên da bé ban đầu nổi những nốt mẩn đỏ, dần dần chuyển biến thành mụn nước đỏ li ti.
- Thỉnh thoảng da bị nứt, dịch trong mụn rịn ra ngoài, đóng thành vảy trắng ngà vàng rồi bong tróc.
- Khi chạm vào da bị tổn thương của trẻ, cảm thấy da thô ráp, khô và rất căng.
- Nếu trẻ tự cào cấu vào vùng da bị chàm, nốt mụn nước vỡ ra và có thể gây chảy máu.
- Vùng da không được chăm sóc cẩn thận có thể bị nhiễm trùng. Mụn nước sẽ lan rộng khắp người, toàn thân bé đỏ ửng.
- Bé sẽ giãy dụa, uốn éo người, quấy khóc vì ngứa. Thậm chí, bé tự đưa tay cào, cấu vào vùng da bị ngứa khiến cho triệu chứng hiện rõ hơn.
- Con ăn uống kém, lười bú, hay gắt gỏng.
Để tránh tình trạng bệnh ngày càng nghiêm trọng, cha mẹ nên đưa con đi khám bác sĩ chuyên khoa da liễu ngay khi có những biểu hiện nhỏ đầu tiên.
3. Cách xử lý khi con nổi chàm sữa
Khi phát hiện trên da của con nổi các đám mụn chàm sữa, cha mẹ cần thực hiện ngay các bước sau đây:
- Cho con tắm nhanh với nước ấm vừa phải cùng sữa tắm loãng để làm sạch và mềm da.
- Sau khi tắm xong, dùng khăn bông mềm thấm khô nước đọng trên da của con. Không chà xát mạnh mà chỉ được thấm.
- Dùng dầu dưỡng ẩm thoa lên vùng da bị chàm của con. Không dùng kem dưỡng ẩm thông thường vì có thể gây kích ứng da của con. Thay vào đó, dùng vài giọt dầu tự nhiên như dầu olive, dầu dừa, dầu hạnh nhân, bơ cacao,... thoa lên da cho con.
- Cho con mặc quần áo thoáng mát, rộng rãi, thấm hút mồ hôi tốt. Hạn chế cọ xát vào vùng da bị tổn thương của con.
- Đưa con đến cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán bệnh và nhận đơn thuốc điều trị.
4. Mẹo chữa chàm sữa ở trẻ sơ sinh
Bên cạnh việc dùng các loại thuốc kem, thuốc mỡ bôi ngoài da theo chỉ định, cha mẹ có thể hỏi ý kiến bác sĩ trước khi áp dụng cho con các mẹo chữa chàm sữa từ thiên nhiên này.
- Hái hoa nhài sạch, làm lạnh, bóp nát rồi thoa nhẹ dầu hoa lên vết chàm sữa trên da của con. Dầu hoa nhài có công dụng làm sạch mẩn ngứa và giữ ẩm cho da hiệu quả.
- Lá trà xanh tươi rửa sạch, để ráo, đun sôi, lấy nước tắm cho bé mỗi ngày. Trà xanh có tính kháng khuẩn tốt, làm mát da, dịu da và thải độc hiệu quả.
- Lá ổi tươi rửa sạch, để ráo, đun sôi, để nguội bớt rồi thấm nhẹ lên da cho bé. Lá ổi có tác dụng giải độc và dưỡng ẩm tốt cho làn da mỏng manh của trẻ.
- Dùng sữa mẹ vừa vắt thấm lên vùng da cho con. Sữa mẹ có chứa nhiều kháng thể, giúp làn da của con trở nên khỏe mạnh, kháng lại vi khuẩn gây hại và tránh viêm nhiễm.
Cha mẹ lưu ý rằng, khi áp dụng những mẹo dân gian này, vẫn phải cho con dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ. Vì các cách chữa chàm sữa từ thiên nhiên kể trên chỉ có công dụng giảm ngứa, làm mềm da và kháng viêm chứ không chữa khỏi hẳn bệnh cho trẻ được.
Bài viết trên đây đã chia sẻ với các bậc phụ huynh dấu hiệu nhận biết bệnh chàm sữa ở trẻ sơ sinh, kèm theo những hình ảnh bệnh ở từng vị trí trên cơ thể trẻ. Hy vọng rằng những thông tin, kiến thức trên đây sẽ giúp ích cho cha mẹ trong việc phát hiện và xử lý bệnh chàm sữa cho con trẻ.