Có bao nhiêu loại bệnh chàm ở trẻ em? Biểu hiện của từng loại bệnh lý như thế nào? Triệu chứng bệnh chàm có thay đổi theo từng độ tuổi của trẻ hay không? Làm thế nào để điều trị?
Để giúp các bậc phụ huynh, cha mẹ mau chóng nhận biết được bệnh chàm ở con em mình, kịp thời đưa trẻ đi khám và điều trị sớm, SkinShare sẽ chia sẻ những kiến thức quan trọng nhất về bệnh lý này trong bài viết dưới đây!
1. Phân loại bệnh chàm ở trẻ em
Bệnh chàm (Eczema) nói chung là tình trạng da bị nổi các nốt hoặc đám mụn đỏ, viêm nhiễm và ngứa ngáy. Bệnh lý này khá phổ biến ở trẻ em, tuy nhiên không phải gia đình nào cũng có đủ kiến thức để nhận diện bệnh ngay từ những biểu hiện đầu tiên.
Ở trẻ nhỏ, có một số loại chàm Eczema dễ khởi phát nhất là:
- Chàm thể tạng (Atopic Dermatitis): Một loại viêm da cơ địa phổ biến mà giai đoạn đầu chính là Chàm sữa.
- Chàm tiếp xúc (Contact Dermatitis): Viêm da khi tiếp xúc với các nhân tố gây dị ứng
- Chàm tổ đỉa (Dyshidrotic Eczema): Bệnh viêm da mãn tính khó điều trị dứt điểm
- Chàm da mỡ (Seborrheic Dermatitis): Viêm da đầu mãn tính do bã nhờn dư thừa
Bệnh chàm thường xuất hiện trong khoảng 6 tháng đầu đến 5 năm đầu đời của trẻ. Dù không phải là một bệnh truyền nhiễm, nhưng chàm Eczema gây ra cảm giác ngứa ngáy dữ dội, vô cùng đáng sợ đối với trẻ nhỏ.
2. Nguyên nhân gây chàm da ở trẻ nhỏ
Đến nay, vẫn chưa có kết luận khoa học nào nhận định được tác nhân chính gây ra bệnh chàm. Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu cho biết bộ hình gen di truyền và điều kiện môi trường sống đã ảnh hưởng đến khả năng mắc bệnh chàm ở trẻ.
Những đứa trẻ có hệ thống miễn dịch yếu sẽ dễ bị các loại vi khuẩn, virus gây bệnh xâm nhập hơn. Đồng thời, nếu trong gia đình có người có tiền sử mắc bệnh chàm từ trước, thì trẻ khi sinh ra cũng có xu hướng mắc bệnh cao hơn.
3. Biểu hiện bệnh chàm ở trẻ em
Các loại chàm Eczema, đặc biệt là chàm thể tạng, sẽ có biểu hiện khác nhau ở từng độ tuổi của trẻ. Để nhận biết đúng con em mình đang bị loại chàm nào, gia đình cần đưa trẻ đến khám bác sĩ da liễu. Dưới đây là những biểu hiện dễ nhận biết ở từng độ tuổi của bé.
3.1. Chàm ở trẻ sơ sinh (6 tháng đầu)
Trong 6 tháng đầu đời, trẻ có biểu hiện chàm Eczema tại vùng mặt, má, cằm, trán và da đầu. Chàm cũng có thể lây lan sang các vùng da khác trên cơ thể bé. Ở giai đoạn này, da của bé sẽ ửng đỏ, đau ngứa, trông có một chút ẩm ướt, giống như khi trẻ vừa khóc nhè xong.
3.2. Biểu hiện ở trẻ 6 - 12 tháng
Ở giai đoạn này, chàm Eczema thường xuất hiện ở vùng khuỷu tay và đầu gối. Đó là những vị trí dễ cọ xát, tiếp xúc và dễ bị tổn thương. Nếu như bệnh chàm trở nên viêm nhiễm, vùng da này của trẻ sẽ hình thành các vảy vàng nhỏ xíu, trông như sắp bong tróc.
3.3. Dấu hiệu ở trẻ 2 - 5 tuổi
Bệnh chàm hầu như ảnh hưởng đến vùng mặt của trẻ. Bệnh gây ra những nốt mụn đỏ và đầu trắng nho nhỏ. Ở độ 2 tuổi, bệnh chàm có thể lan rộng quanh vùng khuỷu tay và đầu gối, hoặc ở những nếp gấp trong lòng bàn tay của trẻ.
Đôi khi, chàm xuất hiện ở vùng mép và bờ mi của trẻ. Những vùng da bị tổn thương trông khô hơn, cảm giác rất sần sùi. Đồng thời, những thương tổn mọc dày hơn và ăn sâu hơn vào da của trẻ.
3.4. Biểu hiện bệnh chàm ở trẻ em trên 5 tuổi
Bệnh vẫn xuất hiện nhiều ở những nếp gấp trên da như khuỷu tay, khuỷu chân. Đôi khi, bệnh lại chỉ biểu hiện trong lòng bàn tay của trẻ.
Trong nhiều trường hợp, chàm Eczema thậm chí sưng đỏ và gây ngứa ngáy ở cả vùng da sau tai, dưới lòng bàn chân và đầu gối. Vẫn là những cảm giác ngứa ngáy, đau rát dữ dội khiến cho trẻ khó mà kiểm soát được.
4. Những yếu tố kích hoạt bệnh chàm ở trẻ nhỏ
Có một số yếu tố nguy cơ có thể góp phần khiến bệnh chàm ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ khởi phát như:
- Tiếp xúc với lông động vật, thú nuôi gây ra dị ứng
- Điều kiện da khô, nứt nẻ, nhạy cảm, dễ bị bong tróc
- Nóng nực và đổ mồ hôi thường xuyên nên bị vi khuẩn xâm nhập và gây bệnh
- Tiếp xúc các chất kích thích, các chất hóa học độc hại khiến cho da bị kích ứng
- Tiếp xúc với khói bụi, các chất ô nhiễm trong môi trường
Vào mùa đông, bệnh chàm có thể biểu hiện xấu hơn vì thời tiết hanh khô, da của trẻ trở nên nhạy cảm hơn. Bằng cách đoán nhận những yếu tố này, gia đình có thể biết được phương hướng xử lý khi con em mình có biểu hiện chàm.
5. Phương pháp điều trị chàm Eczema ở trẻ
5.1 Thuốc chữa chàm theo chỉ định của bác sĩ
Để được nhận các loại thuốc chuyên trị chàm Eczema ở trẻ an toàn và hiệu quả nhất, phụ huynh nên cho con đi khám bác sĩ da liễu tại cơ sở uy tín. Vì nếu sử dụng sai thuốc, sai liều lượng, tình trạng bệnh ở trẻ có thể diễn biến nặng hơn.
Tùy vào tình trạng bệnh của trẻ, bác sĩ có thể kê các đơn thuốc kháng viêm, dùng để thoa tại chỗ như Steroid hoặc thuốc ức chế Calcineurin dùng để trị viêm. Bên cạnh đó, thuốc uống kháng histamine cũng có thể được khuyến nghị để giúp bé giảm ngứa, ngủ ngon hơn.
5.2. Các loại kem hỗ trợ trị chàm hiệu quả
Các loại kem bôi có thể hỗ trợ làm dịu da, mềm da, giảm ngứa và giảm kích ứng hiệu quả:
- CeraVe Baby Moisturizing Cream: Kem bôi tổng thể
- Aveeno Baby Eczema Therapy Moisturizing Cream: Kem giảm ngứa
- Eucerin Baby Eczema Relief Body Cream: Kem làm dịu da
- Weleda Sensitive Care Face Cream: Kem dùng chuyên cho da mặt
- Mustela Stelatopia Emollient Cream: Dùng cho da nhạy cảm
- Babyganics Eczema Care Skin Protectant Cream: Loại kem lành tính có chiết xuất từ thiên nhiên
5.3. Cách chăm sóc da cho bé bị chàm
Bên cạnh sử dụng thuốc chữa bệnh chàm ở trẻ em theo chỉ định của bác sĩ, phụ huynh cũng cần có biện pháp chăm sóc và cải thiện sức khỏe làn da cho trẻ.
- Cho trẻ tắm nắng vài phút mỗi ngày. Ánh nắng mặt trời có thể làm giảm tình trạng sưng viêm ở da của trẻ. Tuy nhiên, chỉ nên cho trẻ chơi ngoài nắng vài phút, nếu lâu có thể khiến da bé bị cháy nắng. Đặc biệt là trẻ dưới 6 tháng tuổi, không nên để trẻ chịu ánh nắng trực tiếp.
- Sử dụng khăn mềm ngâm nước mát đắp lên vùng da bị chàm của bé trong khoảng 5 - 10 phút mỗi lần. Đây là cách làm dịu da của bé một cách hiệu quả, giảm ngứa và đau tại chỗ, cho bé cảm giác thoải mái hơn.
- Có thể tắm cho trẻ bằng nước ấm hòa baking soda hoặc bột yến mạch để giảm viêm, tăng tái tạo cho da.
- Cho con dùng các loại kem dưỡng ẩm phù hợp theo tư vấn của bác sĩ.
- Cho con mặc các quần áo mềm, thoáng mát, tránh chà xát mạnh vào vùng da bị chàm của bé. Tốt nhất nên dùng quần áo có chất liệu cotton mềm, thấm hút mồ hôi tốt.
5.4. Một số nguyên liệu tự nhiên giúp giảm triệu chứng chàm ở trẻ
Có một số nguyên liệu sẵn có từ thiên nhiên lành tính có thể được sử dụng để làm dịu, kháng khuẩn da bị chàm cho bé. Trước khi sử dụng các loại nguyên liệu này, cha mẹ vẫn nên hỏi ý kiến bác sĩ trước nhé!
- Cam thảo, cỏ cà ri và hoa cúc: Chuẩn bị nước ấm, thả rễ cam thảo, nhỏ 4 - 5 giọt tinh dầu hoa cúc và 1 thìa cà phê bột cỏ cà ri vào, hòa đều rồi tắm cho trẻ. Hỗn hợp nước tắm này có công dụng kháng khuẩn, cấp ẩm cho làn da rất hiệu quả.
- Dầu dừa và hoa oải hương: Hòa 1/2 cốc dầu dừa với 2 - 3 giọt tinh dầu hoa oải hương, bảo quản trong lọ thủy tinh kín, tránh nắng. Dùng thoa lên vùng da bị tổn thương của trẻ để dưỡng ẩm sau khi tắm sạch.
- Lô hội: Lấy phần thịt và gel của lá lô hội nghiền nhuyễn, thoa lên vùng da bị chàm của trẻ để cấp ẩm và diệt khuẩn.
- Dầu hạnh nhân: Có công dụng kháng viêm và kích thích tái tạo da mới rất hiệu quả. Sử dụng dầu hạnh nhân mát xa nhẹ nhàng lên vùng da tổn thương của bé.
- Bơ cacao: Có công dụng tăng độ ẩm, tăng độ đàn hồi cho da. Cha mẹ cũng có thể dùng một ít bơ cacao thoa lên vùng da bị chàm của bé.
6. Giải đáp những câu hỏi thường gặp
6.1. Bé bị chàm có nên tắm nhiều không?
Theo các chuyên gia y tế, cha mẹ nên tắm cho con 1 lần/ngày. Tuyệt đối không kiêng tắm cho con trong thời gian bị bệnh. Vì tắm sẽ giúp làm mềm, cấp ẩm cho da trẻ rất tốt. Bé sẽ cảm thấy bớt đau ngứa, dễ chịu hơn rất nhiều.
6.2. Nên cho bé tắm như thế nào khi bị chàm?
Chỉ nên cho con tắm với nước ấm nhẹ. Nước quá nóng sẽ khiến chàm da nghiêm trọng hơn. Hạn chế dùng xà bông hay sữa tắm. Tốt nhất phụ huynh nên hỏi ý kiến bác sĩ da liễu về sản phẩm vệ sinh phù hợp nhất cho da của con.
Nên tráng người cho con 2 lần với nước ấm để loại bỏ hoàn toàn xà bông hay sữa tắm trên da của con. Nên tắm cho con thật nhanh, không cho con ngâm nước lâu vì các tổn thương chàm sẽ lan rộng.
6.3. Những loại thực phẩm nào dễ kích hoạt chàm khởi phát?
Thực tế, dị ứng thực phẩm và chàm ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ không liên quan nhiều đến nhau. Những trẻ bị dị ứng với một số loại thực phẩm nhất định cũng không thể khiến chàm khởi phát.
Tuy nhiên, trẻ đã và đang bị chàm thì có nguy cơ bị dị ứng với một số loại thực phẩm như: Sữa, trứng, đậu tương, cá, ngao, sò, tôm, cua.
Với những kiến thức cơ bản xung quanh căn bệnh chàm ở trẻ em trên đây, hy vọng rằng các bậc phụ huynh, cha mẹ có thể dễ dàng nhận diện triệu chứng ở con em mình. Từ đó, nhanh chóng đưa con đi khám bác sĩ da liễu để nhận được phác đồ điều trị hiệu quả và an toàn nhất nhé!