Những căn bệnh ngoài da ở trẻ em luôn khiến cho cha mẹ phụ huynh sốt sắng. Bởi các bệnh lý này có thể gây ra cảm giác châm chích, ngứa ngáy, khiến trẻ bức bối, quấy khóc, ốm sốt,...
Vậy các bậc phụ huynh có thể làm gì để giúp con thoải mái, dễ chịu hơn? Trong bài viết này, SkinShare sẽ cung cấp những kiến thức quan trọng nhất về 15 căn bệnh da liễu ở trẻ em thường gặp theo mùa và những cách xử trí đảm bảo an toàn cho con.
1. Những bệnh lý ngoài da trẻ em dễ mắc phải vào mùa hè
1.1. Rôm sảy
Hầu hết trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ đều ít nhất một lần bị rôm sảy. Nguyên nhân là mồ hôi không thể thoát ra khỏi lỗ chân lông, gây ứ đọng thành những nốt đỏ hoặc hồng, nhỏ li ti. Rôm sảy xuất hiện chủ yếu ở những vùng da cổ, ngực, nách, lưng, thậm chí là ở cả da đầu của trẻ.
Cách xử lý:
- Giữ cho cơ thể bé thoáng mát. Cho bé mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát, thấm hút mồ hôi tốt. Những ngày quá mức nắng nóng, cho bé ở trong phòng điều hòa mát.
- Sau khi tắm rửa cho con, dùng khăn cotton mềm thấm sạch nước đọng lại trên da. Thao tác nhẹ nhàng, không làm tổn thương vùng da bị rôm sảy.
- Nếu có thể, những vùng da bị rôm sảy nên để thông thoáng, không che chắn bằng quần áo để nhanh chóng hồi phục. Cha mẹ chú ý không bôi kem/dầu dưỡng da cho con.
1.2. Dị ứng thực vật
Ở một số trẻ, chỉ cần chạm vào các loài thực vật chứa dầu như rau mùi tây, vỏ cam quýt, thường xuân độc,... cũng có thể gây ra phản ứng dị ứng. Vùng da tiếp xúc ngay lập tức sưng đỏ, châm chích và ngứa rát.
Cách xử lý:
- Rửa vùng da tiếp xúc với độc thực vật của trẻ với xà bông/sữa tắm dịu nhẹ và nước sạch. Cần thực hiện ít nhất 10 phút ngay sau khi trẻ chạm vào độc thực vật.
- Để đảm bảo trẻ không tự làm tổn thương thêm cho làn da non yếu của mình, hãy cắt móng tay cho trẻ.
- Để làm dịu vùng da bị kích ứng, cha mẹ sử dụng sữa dưỡng Calamine bôi lên vùng tổn thương cho con. Hoặc cha mẹ có thể dùng kem Hydrocortisone 1% thay thế. Tránh dùng các thuốc mỡ kháng sinh chứa Histamines vì có thể khiến kích ứng mạnh hơn.
1.3. Viêm nang lông
Vệ sinh vùng da đầu cho trẻ không tốt, để trẻ sinh hoạt trong tình trạng nóng bức thường xuyên sẽ gây ra viêm nang lông. Mồ hôi, bã nhờn ứ đọng trong lỗ chân lông, không thể thoát ra ngoài, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập và gây viêm.
Trẻ bị viêm nang lông sẽ luôn cảm thấy ngứa ngáy, khó chịu. Có thể nổi nhiều mụn đầu trắng trên khắp bề mặt da và ở các chân tóc.
Cách xử lý:
- Tắm cho trẻ thật nhanh với nước ấm rồi lau khô toàn thân với khăn bông.
- Chú ý không làm vỡ các nốt mụn đầu trắng trên da trẻ, không tác động mạnh vì sẽ khiến trẻ đau ngứa, quấy khóc.
- Đưa trẻ đến gặp bác sĩ da liễu để được kê đơn thuốc điều trị phù hợp với tình trạng bệnh.
1.4. Côn trùng cắn/đốt
Ong, muỗi, kiến lửa,... vô cùng nguy hiểm với trẻ nhỏ. Bởi làn da của các con hết sức non yếu, dễ bị tổn thương nặng do côn trùng cắn như sưng to, đỏ, lan rộng khắp bề mặt da. Ở trường hợp nặng, bé có thể có hiện tượng dị ứng, phát ban nghiêm trọng.
Cách xử lý:
- Khẩn trương rửa sạch vùng da bị cắn với cồn nồng độ thấp.
- Giảm sưng, ban đỏ với túi đá lạnh trong ít nhất 10 phút.
- Bôi kem sữa Calamine hoặc kem Hydrocortisone 1%.
1.5. Bệnh chân tay miệng
Vào thời điểm trong hè, sau hè và đầu thu, căn bệnh tay chân miệng bùng phát mạnh mẽ ở trẻ nhỏ. Thông thường, bé bị viêm họng, cảm cúm, sổ mũi trước đó dễ bị nhiễm bệnh tay chân miệng hơn.
Những nốt đỏ li ti với dịch tiết bên trong xuất hiện trên vùng miệng, ngón tay, bàn tay, kẽ chân, mông. Những ngày đầu triệu chứng khá nghiêm trọng, nhưng sau vài tuần bệnh sẽ thuyên giảm.
Cách xử lý:
- Nếu trẻ đau nhiều và quấy khóc, cho trẻ dùng thuốc acetaminophen hoặc ibuprofen.
- Không rửa miệng và các vùng da tổn thương của trẻ quá thường xuyên vì sẽ dễ khiến virus gây bệnh lây lan.
- Cho con đi khám bác sĩ ngay để nhận phác đồ điều trị.
1.6. Giun sán
Có rất nhiều loại giun sán tồn tại trong cát và nước biển, nước hồ bơi, ao, hồ, sông, suối. Ở một số bé có hệ miễn dịch yếu, dễ bị các loại giun sán đó ký sinh trên da. Chúng đào sâu xuống bề mặt da của bé, gây ra những nốt sưng nhỏ màu đỏ/hồng.
Cách xử lý:
- Ngay lập tức cắt móng tay cho con để tránh con tự cào, cấu lên da gây tổn thương nặng.
- Giảm ngứa tạm thời bằng cách cho con tắm với muối Epsom, yến mạch hoặc baking soda.
- Tìm gặp bác sĩ da liễu ngay để được kê đơn thuốc giảm triệu chứng.
1.7. Vảy nến
Vảy nến là bệnh da liễu ở trẻ em thường gặp vào mùa hè, do thời tiết nóng nực, dễ đổ nhiều mồ hôi và đổ mồ hôi kéo dài trong ngày. Bệnh lây lan nhanh chóng qua tiếp xúc, vì thế gia đình nên để trẻ ở nhà để chăm sóc cho đến khi bệnh hoàn toàn khỏi hẳn.
Vùng da tổn thương có hình tròn hoặc bầu dục, màu trắng hoặc hồng, viền đậm màu, trong lòng có vảy trắng. Bệnh gây cảm giác ngứa ngáy, khó chịu cho trẻ, đặc biệt là ở những vùng da nhạy cảm.
Cách xử lý:
- Tắm nhanh cho con bằng nước sạch và sữa tắm dịu nhẹ.
- Che chắn vùng da tổn thương bằng gạc y tế để tránh không cho con gãi ngứa.
- Đưa con đến gặp bác sĩ luôn để nhận đơn thuốc điều trị phù hợp.
1.8. U mềm lây
Thoạt nhìn, u mềm lây trông giống những đám mụn sữa trên da của bé. Thế nhưng, đây lại là một bệnh lý hoàn toàn khác. Những đám mụn thịt nhỏ li ti xuất hiện trên vùng ngực, lưng, tay và chân của bé.
Cách xử lý:
- Hầu hết triệu chứng bệnh sẽ tự biến mất trong khoảng 6 - 12 tháng mà không cần điều trị. Dù vậy, đây là căn bệnh dễ lây lan, nên cha mẹ cần có biện pháp ngăn ngừa.
- Không cho trẻ dùng chung đồ dùng cá nhân như khăn tắm, ga giường, quần áo với những trẻ khác.
- Cắt móng tay cho trẻ, không để trẻ gãi khiến các tổn thương vỡ ra và lây lan.
1.9. Chốc lở
Trong mùa hè nóng nực, các vi khuẩn trên da sinh sôi và gây bệnh mạnh mẽ hơn. Bệnh chốc lở cũng gây ra do vi khuẩn, da của bé xuất hiện những nốt mụn nước nhỏ. Khi gãi, nốt mụn bị vỡ, dịch tiết ra đóng thành vảy vàng.
Cách xử lý:
- Rửa nhẹ nhàng vùng da bị chốc lở với nước sạch và xà bông/sữa tắm dịu nhẹ.
- Che chắn vùng da bằng bông và gạc y tế để không cho vi khuẩn lây lan.
- Lập tức đưa con đến gặp bác sĩ da liễu để được chẩn đoán và điều trị sớm.
2. Bệnh ngoài da ở trẻ em thường gặp vào mùa đông
2.1. Dị ứng lạnh
Dị ứng lạnh khiến cho vùng da nổi ban đỏ, ngứa ngáy dữ dội, không thể kiểm soát được. Bệnh khởi phát mỗi khi cơ thể bị nhiễm lạnh. Nhiều trẻ ngứa không chịu được, thường gãi đến mức trầy xước, chảy máu da. Cha mẹ cần hết sức chú ý tình trạng bệnh này.
Cách xử lý:
- Luôn giữ ấm cơ thể và thoa kem dưỡng ẩm phù hợp với tình trạng da của bé.
- Tăng cường sức đề kháng cho trẻ bằng các loại thực phẩm bổ dưỡng.
- Cắt móng tay cho trẻ thường xuyên.
2.2. Mề đay
Khi gãi, cào, cấu hay có tác động vừa và mạnh lên da, da bé sẽ nổi vệt lên rất cao và ngứa ngáy. Những vệt tổn thương này có thể có màu hồng hoặc màu da bình thường. Tình trạng ngứa ngáy dữ dội có thể diễn ra trong vài phút hoặc vài giờ rồi tự động biến mất.
Cách xử lý:
- Luôn giữ ấm cơ thể
- Tránh cho trẻ ăn các thực phẩm dễ gây dị ứng như các loại hải sản
- Cắt móng tay cho trẻ thường xuyên để tránh gãi ngứa, gây tổn thương da.
2.3. Chàm Eczema
Đây là bệnh ngoài da ở trẻ dễ gặp vào mùa đông. Không khí hanh khô khiến làn da của trẻ bị khô, nứt nẻ, sưng đỏ. Trẻ sẽ cảm thấy ngứa rát, căng da, thậm chí là một chút đau đớn.
Vào mùa hè, bé cũng dễ bị bệnh chàm do sinh hoạt trong phòng điều hòa quá nhiều mà không có quạt nước dưỡng ẩm. Thậm chí, bé đi du lịch cùng gia đình quá nhiều, ngồi trên ô tô điều hòa lạnh cũng là nguyên nhân gây ra chàm Eczema.
Cách xử lý:
- Sử dụng kem dưỡng ẩm không hương liệu, bôi lên da cho trẻ ít nhất 1 lần/ngày.
- Sau khi tắm cho trẻ, thấm khô da bằng khăn cotton mềm và thoa kem dưỡng ẩm lên những vùng da bị chàm của trẻ.
- Cho bé mặc quần áo mềm, mỏng, thoáng mát, không nước xả vải hay nước hoa.
3. Cách phòng ngừa các bệnh ngoài da ở trẻ em
Hầu hết các bệnh lý ngoài da thường gặp ở trẻ được chia sẻ trên đây đều gây ra bởi sức đề kháng non nớt của bé bị suy yếu. Chính vì thế, để con không trở thành đối tượng nhiễm các bệnh da liễu này, cha mẹ cần tạo điều kiện để con được tăng cường hệ miễn dịch.
- Cải thiện chế độ dinh dưỡng cho con: Hãy bổ sung nhiều vitamin, chất khoáng, omega-3 vào thực đơn hàng ngày cho con. Đây đều là những dinh dưỡng góp phần làm cho làn da của con khỏe mạnh, miễn dịch tốt.
- Tạo điều kiện cho con vận động nhiều: Đừng nên chỉ cho con quanh quẩn trong nhà cả ngày. Hãy cho con ra ngoài chạy chơi, hít thở không khí trong lành và đón ánh nắng mặt trời một cách an toàn. Thông qua vận động thường xuyên, các quá trình chuyển hóa trong cơ thể bé được kích thích. Từ đó, bé được tăng cường sức đề kháng, hình thành thể chất rắn rỏi và tinh thần tích cực.
- Giữ vệ sinh cơ thể cho con thật tốt: Sử dụng các sản phẩm vệ sinh dịu nhẹ theo tư vấn của bác sĩ. Tránh các chất tẩy rửa mạnh, độ pH cao vì sẽ khiến da trẻ bị khô, nứt nẻ, nhạy cảm hơn.
Thông qua bài viết trên đây, chắc hẳn bạn đọc đã nắm được thông tin cơ bản về một số căn bệnh ngoài da ở trẻ em thường gặp tùy theo điều kiện thời tiết. Hy vọng rằng với những dấu hiệu và cách xử lý cơ bản này, phụ huynh có thể giúp con ngăn ngừa và giảm bớt triệu chứng bệnh một cách hiệu quả.
Và để đảm bảo các bệnh lý ngoài da ở trẻ được chẩn đoán và điều trị đúng cách, an toàn nhất, các bậc phụ huynh hãy đưa con đến các cơ sở y tế uy tín để thăm khám ngay khi có những biểu hiện đầu tiên nhé! SkinShare chúc bé mau khỏe!