Viêm da mủ ở trẻ sơ sinh là bệnh lý phổ biến với triệu chứng đa dạng, khiến cha mẹ không khỏi lo lắng. Trẻ thường xuyên đau nhức, quấy khóc, ăn ngủ kém, khó phát triển. Vậy cụ thể những dấu hiệu của căn bệnh viêm da mủ ở trẻ là gì? Cùng SkinShare tìm hiểu qua bài viết sau nhé!
1. Triệu chứng bệnh viêm da mủ ở trẻ em
Viêm da mủ có nhiều dạng, nhưng được chia vào 2 nhóm chính là do tụ cầu khuẩn và liên cầu khuẩn. Ở mỗi nhóm, bệnh lại có những biểu hiện đặc trưng như sau:
1.1. Viêm da mủ do tụ cầu
- Viêm nang lông nông
Ban đầu, các lỗ chân lông của trẻ bị sưng đỏ, đau nhẹ, dần dần nổi lên các mụn mủ. Sau khi mủ khô, từng nốt mụn đóng vảy, bong đi và không để lại sẹo. Dù vậy, viêm nang lông thể nông rất ngứa ngáy, khiến cho trẻ vô cùng bức bối, khó chịu.
- Viêm nang lông sâu
Ban đầu, lỗ chân lông bị sưng tấy và các mụn mủ nổi lên xung quanh. Những nốt mụn có thể mọc rải rác, hoặc mọc thành từng cụm, cứng, sần sùi. Mụn vỡ, mủ chảy ra có thể gây ra nhiễm trùng. Trẻ cũng cảm thấy ngứa ngứa dữ dội khi bị viêm nang lông thể sâu.
- Nhọt
Nguy hiểm hơn nhiều so với hai dạng viêm da mủ ở trẻ sơ sinh trên, nhọt có mủ sưng đau và độc tính cao. Khi nhọt vỡ ra, thấy chân có nhiều ngòi như tổ ong. Nhọt thường kéo dài dai dẳng, khiến cho trẻ đau nhức vô cùng. Căn bệnh này làm suy giảm sức đề kháng của trẻ.
1.2. Viêm da mủ do liên cầu
- Chốc
Bệnh chốc khá phổ biến ở trẻ sơ sinh, làm xuất hiện các bọng nước trên da, lâu dần chuyển thành mủ đục. Khi bọng bị vỡ, mủ chảy ra đóng thành vảy, tiết dịch vàng. Chốc thường biểu hiện ở quanh miệng của trẻ, nhưng cũng có trên da đầu, rất dễ nhiễm khuẩn và lây lan.
- Hăm kẽ
Những vùng da có nếp gấp trên cơ thể như cổ, bẹn, mông, sau tai, rốn rất dễ bị hăm kẽ. Mồ hôi tiết ra quá nhiều, vùng da luôn ẩm ướt sẽ bị vi khuẩn xâm nhập. Da dần chuyển thành màu đỏ, tiết dịch, trượt và mỏng, vô cùng đau rát.
Ngoài các triệu chứng đặc trưng của từng loại viêm da mủ trên, trẻ cũng có những biểu hiện toàn thân là ngứa ngáy, châm chích khó chịu, khó ngủ, quấy khóc, biếng ăn, thậm chí sốt cao.
2. Hình ảnh viêm da mủ ở trẻ em
Dưới đây là những hình ảnh của bệnh viêm da mủ:
3. Cách điều trị viêm da mủ ở trẻ sơ sinh
Vì một số dạng viêm da mủ có thể khiến sức khỏe của trẻ bị suy yếu, nên để đảm bảo an toàn cho con, cha mẹ nên đưa con đi khám bác sĩ da liễu ngay khi con có những dấu hiệu bệnh đầu tiên. Sau khi thăm khám, tùy từng dạng viêm da mủ mà bác sĩ sẽ kê đơn thuốc điều trị phù hợp.
Tùy từng mức độ bệnh, bác sĩ có thể khuyến nghị dùng các loại thuốc như sau:
- Trường hợp bệnh nhẹ: Dùng thuốc chống nhiễm trùng bôi ngoài da như Eosine, Milian, Fucidin, Bactroban…
- Trường hợp bệnh dai dẳng kéo dài: Dùng thuốc kháng sinh toàn thân theo đợt.
- Trường hợp bệnh nặng: Dùng kháng sinh đường uống hoặc truyền tĩnh mạch.
Lưu ý:
- Tuyệt đối không tự ý cho con dùng kháng sinh, thuốc bôi, tắm lá, đắp lá…
- Không để con cào xước vùng da bị viêm
- Không chích hoặc nặn mụn của con
4. Biện pháp phòng tránh
Trẻ sơ sinh có hệ miễn dịch non yếu, rất dễ bị các loại vi khuẩn xâm nhập và gây bệnh. Làn da của con cũng còn non, đề kháng kém nên rất dễ mắc các bệnh ngoài da như viêm da mủ. Vì thế, để đảm bảo con luôn khỏe mạnh, cha mẹ cần có những biện pháp phòng tránh như sau:
- Cho con bú mẹ trong tối thiểu 1 năm đầu đời, tránh dùng sữa công thức, nhằm tăng kháng thể, tăng sức đề kháng và hệ miễn dịch cho con.
- Tránh không cho con mặc những loại tã lót, quần áo có chất liệu dày, thấm hút mồ hôi kém
- Tắm rửa và vệ sinh làn da cho con đều đặn mỗi ngày. Vào mùa hè hãy giữ cho cơ thể con thông thoáng, khô ráo. Vào mùa đông hãy giữ cho da của con mềm mại bằng kem dưỡng ẩm.
- Nếu bé đang ăn dặm, hạn chế cho con ăn các thực phẩm có tính nóng vì sẽ dễ kích hoạt nổi mụn, nhọt. Điển hình là các loại thịt đỏ và nội tạng động vật. Trong chế biến cháo, bột, chỉ cần dùng một nửa thìa cà phê dầu thực vật để tạo độ béo.
- Khi con mắc các bệnh ngoài da, chỉ cho con dùng cách loại thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ. Không tự ý mua thuốc bôi, thuốc uống, hoặc áp dụng các bài thuốc dân gian để chữa bệnh cho con.
Thông qua bài viết trên, chắc hẳn cha mẹ đã nắm rõ những triệu chứng cơ bản của bệnh viêm da mủ ở trẻ sơ sinh. Từ đó, có biện pháp phòng ngừa hoặc xử lý kịp thời khi con có biểu hiện bệnh. Và đừng quên tìm đến bác sĩ da liễu ngay nếu con có các dấu hiệu bệnh ngoài da nhé!