Viêm da tiếp xúc có những loại nào? Biểu hiện của từng loại có giống nhau không? Đâu là cách điều trị căn bệnh này? Cùng SkinShare tìm hiểu những kiến thức cơ bản nhất về căn bệnh da liễu này, từ đó có biện pháp xử lý và phòng ngừa hiệu quả nhé!
1. Viêm da tiếp xúc là gì?
Đây là bệnh lý ngoài da thuộc nhóm bệnh viêm da dị ứng. Bệnh khởi phát do người bệnh tiếp xúc với các yếu tố gây kích ứng, dị ứng. Nguyên nhân hoàn toàn đến từ các yếu tố bên ngoài mà không phải từ bên trong cơ thể. Vì thế, bệnh không lây lan thông qua tiếp xúc và cũng không nguy hiểm đến tính mạng.
2. Biểu hiện đặc trưng của bệnh viêm da tiếp xúc
Nhìn chung, người mắc bệnh lý ngoài da này sẽ có những triệu chứng như sau:
- Vùng da tiếp xúc với tác nhân gây kích ứng, dị ứng nổi mẩn đỏ, ngứa
- Một thời gian ngắn sau, da trở nên khô và căng, nổi rộp, cảm giác châm chích và ngứa rát.
- Sau khoảng 24 - 36 tiếng, các nốt rộp ngoài da bị rỉ nước, đóng vảy.
- Toàn bộ vùng da sưng phù, ngứa ngáy dữ dội mà không thể gãi được.
- Nếu gãi mạnh khiến vùng da bị tổn thương, chảy máu thì sẽ dẫn đến nhiễm trùng.
Ngoài ra, các biểu hiện còn có giai đoạn khởi đầu, bùng phát tùy thuộc vào từng loại viêm da tiếp xúc.
3. Phân loại bệnh lý
Căn bệnh da liễu này được chia làm 3 loại, tương ứng với 3 nhóm nguyên nhân chính gây ra bệnh. Về bản chất vẫn là do tiếp xúc với các tác nhân gây kích ứng. Tuy nhiên, thời gian ủ bệnh và phát bệnh thì khác nhau.
3.1. Viêm da tiếp xúc kích ứng
Nguyên nhân:
- Do tiếp xúc với các loại hóa chất gây kích ứng trong một thời gian dài. Ví dụ như rửa bát, giặt đồ, tiếp xúc chất tẩy rửa thường xuyên bằng tay không mà không có biện pháp bảo hộ.
- Do tác động vật lý như ma sát, mài mòn da trong một thời gian dài với tần suất tăng dần. Ví dụ như lao động tay chân nặng nhọc, thường xuyên phải cầm nắm vật nặng bằng tay không.
Thời gian bùng phát: Sau một thời gian dài làn da bị bào mòn bởi các yếu tố kích ứng kể trên thì mới bị viêm, nổi rộp và sưng đỏ.
3.2. Viêm da tiếp xúc dị ứng
Nguyên nhân:
- Do tiếp xúc với các chất hóa học độc hại như niken, crom, coban, hỗn hợp nước hoa, mỹ phẩm, thuốc nhuộm, thuốc trừ sâu, chất tẩy rửa, thuốc uống,...
- Do tiếp xúc với nhựa của thực vật độc như cây thường xuân, cây sồi,...
Thời gian bùng phát: Biểu hiện trong khoảng 24 - 36 giờ ngay sau tiếp xúc với các yếu tố gây dị ứng trên.
3.3. Viêm da tiếp xúc quang hóa
Nguyên nhân: Do tiếp xúc với một số loại dầu của thực vật chứa độc hoặc hóa chất độc, sau đó phơi nhiễm ánh sáng có chứa tia tử ngoại UV thì mới có biểu hiện dị ứng. Có thể hiểu đơn giản, ánh nắng mặt trời là yếu tố xúc tác để các chất độc gây bệnh.
Thời gian bùng phát: Trong khoảng 24 giờ ngay sau khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời hoặc tia tử ngoại.
4. Cách chữa bệnh viêm da tiếp xúc
Cách điều trị bệnh viêm da do tiếp xúc với chất độc hại không hề khó. Tuy nhiên, người bệnh cần kiên trì và bình tĩnh để da từ từ hồi phục. Người bệnh nên thực hiện các bước sau đây để nhanh chóng kiểm soát triệu chứng của bệnh.
4.1. Cách ly với yếu tố gây kích ứng
Cần xác định được nguyên nhân gây ra bệnh để nhanh chóng cách ly. Nếu là do bất ngờ tiếp xúc với các hóa chất độc hại thì nên nhanh chóng rửa sạch vùng da để loại bỏ. Nếu là do tính chất công việc thì nên nghỉ làm một thời gian để làn da được hoàn toàn hồi phục. Tốt hơn hết là không nên để vùng da tiếp xúc với bất cứ thứ gì trong ít nhất 1 ngày đầu điều trị vì lúc này da đang bị tổn thương, rất nhạy cảm.
4.2. Rửa sạch vùng da bị dị ứng
Sau khi đã cách ly với yếu tố gây kích ứng, người bệnh cần rửa sạch vùng viêm da tiếp xúc với nước ấm và xà phòng. Cần dùng xà phòng để tẩy rửa sạch các chất gây kích ứng còn tồn đọng trên da. Đặc biệt là vùng lòng bàn tay, các kẽ ngón chân, tay và các vùng da có nếp gấp. Tiếp đến, làm dịu da bằng cách chườm lạnh với khăn bông mềm thấm nước lạnh. Thực hiện trong khoảng 10 phút để vùng da bớt ngứa, bớt sưng phồng và bớt kích ứng.
4.3. Dùng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ
Cần sử dụng các thuốc bôi ngoài da có công dụng giảm ngứa, giảm viêm và kiểm soát dị ứng. Điển hình là thuốc bôi chứa Hydrocortisone, thuốc chứa steroid và các thuốc kháng Histamin. Tùy thuộc vào mức độ kích ứng mà bác sĩ sẽ kê đơn với liều lượng phù hợp.
Hy vọng rằng những kiến thức cơ bản trên đây sẽ giúp ích cho bạn đọc trong việc nhận biết và điều trị bệnh viêm da tiếp xúc. Nếu có những biểu hiện của bệnh, bạn hãy tìm đến bác sĩ da liễu ngay để được chẩn đoán và kê đơn thuốc điều trị nhé!